Chào mừng bạn đến với trungcapluatvithanh.edu.vn trong bài viết về Phim youth of may review chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Tháng Năm đã qua, bao nhiêu ngày đã chia tay những xúc cảm Youth of May để lại, mình cũng không nhớ rõ. Một phần vấn vương vài mớ cảm xúc cũ trước đây rồi lên series Untitled, một phần vì lười, nên giờ mới kịp lên vài dòng cho một trong những bộ phim Hàn tâm đắc của mình năm nay – “Youth of May” (Tuổi trẻ của tháng Năm)
Bộ phim lấy bối cảnh của một sự kiện lịch sử Hàn Quốc – phong trào dân chủ Gwangju, viết nên những con người sống trong thời điểm rối ren, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung vào 4 nhân vật: anh sinh viên thủ khoa Đại học Y Seoul Hwang Hee Tae; cô y tá ở một bệnh viện tại Gwangju Kim Myeong Hee, bạn thân Myeong Hee – cô sinh viên trường Luật hăng say với những cuộc biểu tình Lee Soo Ryeon, anh trai Soo Ryeon – cậu doanh nhân trẻ ngành dược phẩm trở về từ Pháp Lee Soo Chan. Những người tưởng chừng không liên quan với nhau, cuối cùng lại cuốn vào nhau với sự sắp đặt éo le của số phận. Tình yêu, lý tưởng của mỗi người có những phút ngỡ lạc lối, nhưng cuối cùng lại đặt về đúng quỹ đạo. Chỉ tiếc, đó là tháng Năm của 41 năm về trước. Để quỹ đạo lịch sử không thay đổi, đổi lại là những người nằm xuống trên mảnh đất Gwangju ngày ấy. Chính quyền cũ lấp liếm nhiều bí mật thời đại, nỗi đau chẳng thể dừng lại ngay cả ở thời điểm hiện tại.
Bởi vì bối cảnh lịch sử thảm khốc như vậy, mình không mong chờ gì ở bộ phim sẽ có kết đẹp hay kết mở, chỉ hi vọng có thể bớt phần nào nỗi đau cho từng nhân vật trong đó một chút. Nhưng có lẽ, để đi sâu vào bi kịch của thời đại mà tránh những vấn đề man rợ, nhạy cảm, biên kịch và đạo diễn buộc phải “hi sinh” hai nhân vật trung tâm Hwang Hee Tae và Kim Myeong Hee đến tận cùng tàn nhẫn, cảm nhận chúng bằng máu và sinh mệnh. Họ đáng lẽ ra có một cuộc đời hạnh phúc, được theo đuổi tình yêu, được tự do, được vô tội và được sống. Nhưng, không lí nào lại có thể hạnh phúc viên mãn trước một bối cảnh lịch sử như vậy. Cả hai người chỉ có một tháng để bất chấp yêu nhau, bất chấp định kiến cùng quyền lực, gom nhặt từng chút thời gian để kịp bắt đầu hai chữ “cùng nhau”. Vì thế, tình cảm tưởng chừng ba khắc thoáng qua lại càng trở nên nghiêm túc, bởi hơn ai hết, người bắt đầu – Hwang Hee Tae hiểu rằng bản thân và mối tình này không có nhiều thời gian. Hwang Hee Tae đơn độc và lạnh lẽo trong suốt quá trình trưởng thành; Kim Myeong Hee sống với những bất công suốt tuổi trẻ, không ai bao bọc và buộc phải tự lực cánh sinh. Hai người gặp được nhau, gặp được “đúng người” nhất. Nhưng tình cảm của hai người càng sâu sắc bao nhiêu lại càng đẩy bi kịch lên bậc tột cùng bấy nhiêu. Và bi kịch ấy, chính Hwang Hee Tae phải chịu đựng ròng rã 41 năm. Người đi trong một khoảnh khắc, người ở lại dùng cả một đời để dằn vặt, lưu luyến “gia đình duy nhất” của anh. Cho dù người ở lại là Kim Myeong Hee, thì cũng không thể so sánh được với nỗi đau của Hee Tae. Kim Myeong Hee, cô gái mạnh mẽ như một tia sáng của đêm tối, ít nhất vẫn còn gia đình để nương tựa, có người cần bảo vệ, có mơ ước về nước Đức suýt được đi du học. Trong tình yêu không phân chia thiệt hơn, nhưng Myeong Hee có quá nhiều thứ cần chia sẻ hay gánh vác, còn Hee Tae dành hết “tất cả” của bản thân cho Myeong Hee, vì anh không có gì ngoài Myeong Hee cả. Myeong Hee chết, không rầm rộ, không tráng lệ, chỉ một tiếng súng xé toạc màn đêm. Một cái chết cô độc, tức tưởi, và câm lặng. Cùng tiếng ngân nga nhẹ nhàng của Hee Tae trong mơ hồ cuối cùng của Myeong Hee. “Gia đình duy nhất” của Hwang Hee Tae, nằm im như thế trong rừng 41 năm, đau như vậy.
Trong cơn bão thời đại, hai người chật vật tìm cách nương tựa vào nhau, buộc phải cứng cỏi vượt qua dù không còn muốn liên quan tới quan điểm thời cuộc đúng hay sai nữa. Có một câu Hwang Hee Tae đã nói với Myeong Hee thế này: “Ngày bé, anh đã từng bị sét đánh, vốn không hiểu lí do tại sao bị sét đánh nên anh đã mải miết tìm tòi đáp án suốt thời gian dài. Thế nhưng cuối cùng, chẳng có lí do đặc biệt nào, chỉ là do anh vô tình đứng cạnh bốt điện thoại công cộng thôi. Việc ngày hôm nay cũng vậy, hãy cứ xem như do chúng ta xui xẻo đứng cạnh chiếc điện thoại đó, không có nguyên do cụ thể.” Có lẽ, tội duy nhất của hai người là sinh sai thời điểm, hay như vô tình yêu nhau vào hoàn cảnh đáng lẽ không được yêu. Đó chính là số phận của họ mà chẳng thế oán thán ai khác, cũng chẳng ai đủ trả lời cho việc tại sao họ phải liên tục chịu đau thương như vậy. Tình yêu có đẹp đến mấy, dù mới chỉ chớm nở, cũng chẳng thể thắng nổi số phận. Đời người nhỏ bé và hữu hạn quá.

Sau cùng, khi ánh đèn của những nhân vật chính tạm lắng xuống, mình mới có thể nhìn trọn vẹn câu chuyện của những người xung quanh. Là mối tình chưa kịp bắt đầu đã kết thúc của anh cảnh sát qua đời trước mặt Soo Ryeon, trên tay vẫn còn in hằn số điện thoại ghi dở của cô. Là cảnh những đứa trẻ không liên quan bị bạo lực, những cô gái trẻ bị quấy rối, là những người biểu tình bị xả súng, những người dân thường bị dính đạn lạc, bắt bớ vô tội vạ. Là những người từng có lý tưởng đấu tranh buộc phải quay đầu nghịch chiến tuyến, buộc phải lên đạn vào những người bản thân từng muốn bảo vệ…
Nỗi buồn của thời cuộc, nỗi buồn của tình yêu, nỗi buồn của ý chí… tất cả gói gọn lại nỗi buồn của tuổi trẻ, của tháng Năm năm đó. Bởi vì còn trẻ tuổi, khi mọi thứ còn đang bay bổng, lạ lẫm và choáng ngợp, nên mới cảm nhận những nỗi niềm ấy đau đớn bằng cả đời người. Vết thương găm sâu có được xoa dịu đến mấy cũng chẳng thể xóa nhòa vết sẹp xù xì trên da. Từng người trong thời cuộc ấy, vẫn phải bước tiếp, làm quen và chấp nhận những vết sẹo như một phần tất yếu của việc trưởng thành. Đau đớn sẽ dần hóa thành kí ức, thay vì cảm giác thường trực. Họ cứ thế sống qua ngày với những vết thương không thể rỉ máu. Như Hwang Hee Tae vậy.
Nhưng nếu chỉ dừng lại nỗi buồn, ám ảnh hay đau thương thì bộ phim đã không phải là “Youth of May”. Trong những phân cảnh hạnh phúc ngắn ngủi, thậm chí chỉ kịp dăm khoảnh khắc lắng xuống vài giây yên bình, ta vẫn thấy đâu đó tinh thần lạc quan lấp lánh. Hwang Hee Tae đã từng nhiều lần nói với Myeong Hee về dự cảm không lành của bản thân, thay vì chọn cách bớt mất mát nhất, để một trong hai rời đi, họ đi tìm bàn tay của đối phương. Đơn giản, họ chỉ thấy rằng, chỉ cần ở bên nhau thì chuyện gì cũng có thể vượt qua được. Tuy đau thương nhưng lại thật đẹp, ngọt ngào khi mường tượng về những mối tình chớm nở ở thời đại rối ren. Tình yêu của Hwang Hee Tae và Kim Myeong Hee, hay của những người va tình cảm vào nhau trong tháng Năm năm ấy, vẫn lấp lánh, không thể chia cắt vì những mất mát. Giống như biên kịch có nói, muốn dùng bộ phim này để an ủi và xoa dịu những trái tim tuổi trẻ năm ấy vẫn còn tổn thương cho đến hiện tại.

Để truyền tải nội dung cần chiều sâu tâm lý thế này, dàn diễn viên của phim đã góp sức rất lớn, mang hết cái thần của phim tới gần với khán giải hơn. Với mình, điểm sáng nhất của bộ phim là diễn xuất của Lee Do Hyun – ngôi sao trẻ đầy triển vọng của làng diễn Hàn Quốc trong thời điểm hiện tại. Hữu danh hữu thực, từng ánh mắt, cử chỉ, đặc biệt khi anh dành cho Go Min Si (trong vai diễn Kim Myeong Hee), mình đã phải thổn thức mấy lần vì sao lại nồng thắm sự dịu dàng rõ nét như thế, dù không nói bất kì một lời ngọt ngào nào. Chị nữ chính Go Min Si, mình đặc biệt ấn tượng với tạo hình rất chân thực. Một thiếu nữ sống trong nghèo khó, cả tuổi trẻ làm việc phấn đấu tìm lối thoát cho tương lai, nét khắc khổ in hằn trên đôi mắt và ánh cười cứng cỏi ẩn sâu dưới đôi môi. Các tuyến nhân vật khác được biên kịch và đạo diễn phân chia khắc họa không chút dư thừa, không chiếm “đất diễn” của nhân vật chính, cũng không bị lu mờ bởi diễn vai phụ. Mỗi người mỗi cuộc đời cứ như thế được biểu lộ, để người xem tự tiếp nhận, tự cảm nhận và tự mường tượng về cái kết của từng người.
Bộ phim khai thác đề tài về một thời điểm lịch sử nhạy cảm nhưng không gây hiểu lầm hay phẫn nộ. Vấn đề chính trị cũng được giảm thiểu một cách hết sức tối đa để tránh những sai sót hoặc những bất đồng quan điểm xoay quanh. Xem hết phim, mình vẫn cảm thấy thiếu thiếu vài thứ gì đó, cảm thấy mọi thứ đau thương đằng đẵng đột nhiên gói gọn lại như thế. Một lần đau để rồi quên hết, nhưng giá trị của phim chính là để nỗi đau cứ vậy thấm dần vào lòng người xem, tạo nên sự day dứt không nguôi, dù buồn vẫn nhớ về. Từ màu phim cho tới diễn viên, đều mang những nét hoài cổ, xưa cũ theo phong cách cuối những thập niên của thế kỉ trước. Một bộ phim ngược, SE hiếm hoi mà nghìn lần mình cũng muốn xem lại.

Nhìn chung, “Youth of May” với mình không phải là bộ phim thị trường gây sốt đình đám, càng không phải bộ phim cố tình sử dụng những gì gây tranh cãi để làm nổi, kéo rating… Chỉ đơn thuần là một bộ phim về những con người cũ, bối cảnh cũ, quan niệm cũ mà vẫn khiến những người mới phải thổn thức, nhớ về thật lâu, vì chính giá trị lâu dài mà bộ phim đã đem lại cho người xem, không phải kiểu giá trị cố gắng vẽ từ buông cánh để tô màu cho đẹp, mà là giá trị dù dùng nghìn trang giấy cũng còn nhiều điều muốn nói, cuối cùng dùng mấy từ “tự cảm nhận” để định vị cái hay của bộ phim cho riêng mỗi người.
PS: Tất cả các hình ảnh trong bài viết không thuộc về cá nhân mình và không đem tính chất thương mại. Mình tổng hợp ảnh dựa trên các nguồn KBS still cut, hancinema.net. Cảm ơn các website đã đăng tải hình ảnh công khai, để mình có thể nhanh chóng hoàn thiện được bài viết. Các bạn có thể tham khảo các bài phân tích của fanpage SKYER VN – Lee Do Hyun Actor 1st Vietnamese Fanpage để hiểu hơn về bộ phim ý nghĩa này. Cảm ơn fanpage đã truyền mình nhiều cảm hứng để viết lên một bài review phim về YOM như vậy.
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết chia sẻ tâm huyết của trungcapluatvithanh.edu.vn Xin cảm ơn!